Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Văn hóa đọc ngay từ lớp Một?

Một nền văn hóa đọc không tự nó đến với những quan niệm thô kệch về việc học đọc ngay từ lớp Một. Nền văn hóa đọc cần được chuẩn bị công phu ngay từ lớp Một ở trường phổ thông.
Kết quả hình ảnh cho Văn hóa đọc ngay từ lớp Một

"Văn hóa nhìn" thay cho "văn hóa đọc"?
Lâu nay, vấn đề văn hóa đọc xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin. Nhiều ý kiến đã được đưa ra, nhưng hình như ý kiến mang tính tổng kết và cảnh báo của Phó GS. TS Nguyễn Thị Minh Thái[1], Cần làm gì để cứu lấy văn hóa đọc? đã định hình nỗi lo lắng thực sự của xã hội.
Xã hội bắt đầu quan tâm tới khái niệm văn hóa đọc, trước hết là ngẫm nghĩ về những hiện tượng đọc không mang tính chất văn hóa đọc, sau đó là suy nghĩ về những "thế phẩm" vào chỗ thiếu vắng văn hóa đọc.
Xã hội bắt đầu ngẫm nghĩ kỹ hơn. Vì sao thanh niên không ham đọc tiểu thuyết nữa, mà chăm chăm đọc truyện tranh tầm cỡ ĐôRêMôn, Bảy viên ngọc ước, Thủy thủ mặt trăng ...những tác phẩm gây nghiện gần gần như những trò "ghêm" điện tử - những cuốn sách dễ dãi khó có thể chấp nhận là món ăn "văn hóa đọc" có giá trị đích thực ngay với trẻ em.
Xã hội bắt đầu ngẫm nghĩ kỹ hơn vì sao trai thanh gái lịch đang yêu nhau không còn kín đáo riêng tư chép thơ tặng nhau mà chỉ lo thế chỗ cho sự thanh lịch bằng những cuộc trình diễn được gọi bằng "những màn tỏ tình" chẳng cần lắm đến "văn hóa đọc" - một nền "văn hóa nhìn" là quá đủ để nâng "tầm" trơ trẽn lên thành văn hóa và văn minh!

Kết quả hình ảnh cho Văn hóa nghe nhìn
Có điều là ngoài sự kêu cứu thì PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái vẫn chưa đưa ra cho xã hội - nhất là cho các nhà giáo dục - thấy rõ hơn về khái niệm văn hóa đọc. Bài viết này cố gắng trình bày văn hóa đọc trên bình diện khái niệm.
Bài này sẽ xét việc xây dựng nền văn hóa đọc dưới góc độ dạy học, và xét trên ba bình diện:
(1) Sinh lý học của việc đọc.
(2) Tâm lý học của việc đọc.
(3) Việc vận dụng những khái niệm đó vào thực tiễn dạy đọc ngay từ lớp Một ở nhà trường phổ thông.
Ba điều đó đòi hỏi xác định ngay từ đầu mấy vấn đề mấu chốt có trước của văn hóa đọc.
Trước hết có vấn đề người đọc: Đó phải là những người đọc tiến hành việc đọc một mình và tiến hành theo phương thức đọc thầm chứ không phải đọc nghêu ngao hoặc vừa đọc vừa đánh vần. Định nghĩa này rồi sẽ kéo theo việc thay đổi cách dạy đọc ngay từ lớp Một ở trường phổ thông.
Tiếp theo có vấn đề vật liệu đọc. Thuận theo định nghĩa về người đọc như trên, vật liệu đọc trong khái niệm văn hóa đọc dứt khoát phải là những tác phẩm viết ra thành con chữ để người đọc vừa đọc vừa suy ngẫm. Thay vì đọc những loại truyện bằng tranh, là loại sách giải trí mang rất nhiều yếu tố tiêu khiển vô thưởng vô phạt, đọc tới đâu được "giải thích" tới đó, chẳng cần mấy đến việc huy động đầu óc ra mà nghĩ ngợi.

Định nghĩa này không mâu thuẫn với việc ủng hộ sự tồn tại hiện nay của những tủ sách có minh họa dành cho người lớn[2] ở đó người đọc vẫn phải huy động đầu óc của chính mình vào tìm hiểu vấn đề đang đọc chủ yếu qua những con chữ viết chứ không qua những hình vẽ dùng để kể thay cho lời kể.

"Loạn" đọc!
Việc học đọc của trẻ em nước ta từ xưa được giao vào tay những ông đồ chỉ biết đọc ... là đọc, và mấy ông giáo già đó không hề đặt câu hỏi "khi ta đọc thì con mắt của ta hoạt động ra sao".
Tiếp nối thế hệ các cụ đồ là thế hệ những ông hương sư dạy chữ quốc ngữ. Chức danh hương sư có tên tương đương tiếng Pháp là instituteur auxiliaire - dịch sát nghĩa là "giáo viên tiểu học không chính ngạch".

Kết quả hình ảnh cho loạn đọc ở trẻ
Giáo viên tiểu học không chính ngạch thì không có lương Nhà nước, phải ăn lương do dân đóng góp. Chế độ đó kéo dài sang giai đoạn giáo viên vỡ lòng và chỉ chấm dứt khi lớp vỡ lòng được chuyển thành lớp Một và chính thức nằm trong hệ thống giáo dục phổ thông mười năm của nước ta vào khoảng cuối những năm 1950 thế kỷ trước.
Chế độ và chức danh thay đổi, song vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu về sinh lý học của việc đọc.
Thế mà cách nay dăm thế kỷ, Leonardo da Vinci (1452-1519) đã nghiên cứu xem con mắt người ta hoạt động như thế nào. Công việc nghiên cứu còn thô sơ dẫn tới kết quả còn xa mới gọi được là "khoa học", nhưng dù sao cũng đã là bắt đầu nghiên cứu!
Leonardo da Vinci vẽ hình sau và giải thích: Con mắt người ta có mộtđường nhìn trung tâm, và tất cả mọi vật nào đi vào bên trong con mắt thông qua con đường trung tâm đó thảy đều được ta nhìn thấy rất tỏ tường[3].
Những khám phá của con người ở thế kỷ 15 sang 16 đó dẫn người đời sau tìm hiểu kỹ hơn cùng hiện tượng mắt nhìn đó (sau là hiện tượng mắt nhìn vào chữ, hoặc đọc chữ).

Người xưa nhận thấy con mắt của ta không đứng yên. Con mắt có những vận động theo lối cứ mỗi giây thì dừng lại từ 2 tới 4 lần. Khi đọc sách cũng thế. Người đọc giỏi thì mắt dừng lại từ 3 tới 4 lần mối giây. Ngườiđọc kém dừng lại ít hơn.
Khi mắt dừng lại, hình ảnh lưu trên hố võng mạc tập trung vào phần chưa quen, phần chưa biết, phần còn lại của điều đang đọc.
Năm 1879, bác sĩ người Pháp Émile Javal dùng một tấm gương để quan sát vận động của mắt khi đọc thầm. Ông là người đầu tiên dùng từ bước nhảy (của con mắt - saccade) để mô tả sự chuyển động rất nhanh giữa hai bước dừng khi ta đọc.Nhiều kỹ thuật đã được phát minh. Song, khi xuất hiện máy quay phim thì câu trả lời đã ngã ngũ: Mắt người đọc không đi lần dò theo từng tiếng trên dòng chữ viết hoặc chữ in, mà nó nhảy từng bước tóm gọn từng cụm chữ.
Khốn thay, ở nước ta, không ai nghiên cứu phương diện sinh lý học của việc đọc -nghiên cứu vận động của con mắt của người đọc khi người đó đang đọc, và chỉ chăm chú vào "cải tiến phương pháp dạy đọc"!
Chắc chắn là trong quá trình đó, đã có nhiều em bé do bị khuyết tật của mắt mà bị đánh giá là "học dốt" - trong khi người lớn hoàn toàn phủi trách nhiệm về sự không biết và không có giải pháp cho hiện tượng sinh lý đọc. Người ta không chú ý, chẳng hạn, vì sao đọc sách lại mỏi mắt và mỏi cả người?
Chẳng ai chú ý đến hiện tượng "loạn đọc" (dyslexia) để hiểu vì sao có những bạn này thì nhìn được chữ ấy mà những bạn khác lại không nhìn thấy? Vì sao mình nhìn một chữ lại thành hai? Tại sao các bạn khácđều đọc được tiếng an mà mình lại đọc thành tiếng na, tại sao các bạn đọc nam mà mình lại đọc man ...?

Kìm hãm tốc độ...đọc?
Phương diện tâm lý học của việc đọc đụng chạm tới hứng thú đọc, mà hứng thú đọc lại liên quan đến tâm lý học nhận thức. Và những vấn đề tâm lý tưởng như rất phức tạp của việc đọc lại liên quan khăng khít với những vấn đề sinh lý học chúng ta mới bàn ở mục trên.

Kết quả hình ảnh cho toc do doc sach
Và trong thực tiễn, những vấn đề phức tạp thật sự về tâm lý học của việc học đọc lại hoàn toàn có thể chữa chạy nhờ chú ý đến cách học đọc thỏa mãn những yêu cầu sinh lý học của việc đọc.
Chẳng hạn, trước tiên, là chuyện hứng thú đọc sách.
Hứng thú đọc liên quan chặt chẽ với năng lực đọc nhanh mà muốn đọc nhanh thì không được ngắc ngữ, mà muốn tránh không đọc ngắc ngứ thì cần chú ý đến bước nhảy của con ngươi mắt khi đọc.
Bước nhảy của con ngươi mắt khi đọc đòi hỏi trong thực tiễn dạy đọc không được cho người học vừa đọc vừa đánh vần ê a,nhờ đó mà mắt có thể ôm gọn từng nhóm chữ trong mỗi bước nhảy. Ngoài ra, việc nhiều giáo viên bắt học sinh chỉ ngón tay vào từng chữ khi họcđọc là điều vô tình kìm hãm tốc độ đọc của người học. Và khi tốc độ chậm thì hiện tượng đọc ngắc ngứ tất phải xảy ra.
Cả Việt Nam và Pháp đều giễu sách giáo khoa học đọc và năng lực đọc rời rạc như cơm nguội qua các câu chuyện vui giống nhau. Chuyện của Việt Nam Rắn là loài bò... cho thấy nếu đọc thiếu chữ sát thì không thể hiểu nổi rắn là loài gì và tại sao rắn lại là loài bò. Pháp thì có câu chuyện La poule a picoréla ...
Trong câu chuyện này, sự ngắc ngứ đã tạo thành từ cặp díp picoréla là một từ vô nghĩa (như rắn là loài bò). Cách đọc đó cùng làm thiếu mất chữ graine để cả câu trở thành có nghĩa: La poule a picoré la graine - "con gà mái mổ hạt thóc".
Một phương diện tâm lý học khác liên quan đến việc đọc là đọc nhận thức.Dĩ nhiên, nhận thức là một quá trình lâu dài liên quan đến tri giác, trí nhớ, lập luận, ... Thế nhưng những chuyện phức tạp đó lại có thể được giải quyết trong việc dạy kỹ năng đọc thầm ngay từ khi bắt đầu học đọc ở lớp Một.
Đọc thầm thì tốc độ nhanh hơn đọc to thành tiếng vì trong thao tácđọc thầm đã hàm chứa thao tác "bước nhảy" của con ngươi. Đọc thầm do đó cũng gộp được những yếu tố rời trong câu (các tiếng đơn lập) thành những yếu tố có nghĩa, khiến người đọc nhớ được nhờ tính chất chứa nghĩa của chúng.
Sau hết, việc học đọc sẽ liên quan đến việc huấn luyện năng lực suy tư của người đọc - một công việc chỉ có thể thành hiện thực một khi người học có được kỹ năng đọc thầm, đọc với tốc độ nhanh, đọc nhận thức.
Đó cũng chính là những năng lực đã được phân giải của một người đọc bất kỳ trong một nền văn hóa đọc. Định lý đảo: Muốn xây dựng một nền văn hóa đọc thì nhất thiết phải dạy trẻ em ngay từ lớp Một những kỹ năng đọc thầm, đọc với tốc độ nhanh, đọc nhận thức.

Đôi lời kết luận
Không có một nền văn hóa đọc siêu hình nằm ngoài năng lực đọc của từng con người. Năng lực này, do những nguyên nhân sư phạm, đã khôngđược đào tạo ngay từ lớp Một khi trẻ em chính thức bắt đầu cuộc đời họcđường- cuộc đời với những hoạt động sẽ giúp các em chuyển biến từ trí khôn tiền khoa học (giỏi lắm chỉ mới có tư duy quan sát, ghi nhớ...) để chính thức bước sang giai đoạn trí khôn khoa học (là giai đoạn của tư duy trừu tượng với những khái niệm khoa học).
Cần dứt khoát chia tay với những quan niệm đơn giản thô thiển thừa hưởng từ thời kỳ học chữ Nho với các ông đồ và học quốc ngữ với các ông hương sư- những cái tặc lưỡi "ôi dào! Cốt biết đọc biết viết là quý rồi!"
Chúng ta đứng trước hai chọn lựa. Hoặc là chỉ cần cho con em thoát nạn mù chữ, hoặc là tạo cho con em năng lực đọc để năng lực đó phát triển dần dần trong một nền văn hóa đọc.
Một nền văn hóa đọc không tự nó đến với những quan niệm thô kệch về việc học đọc ngay từ lớp Một. Nền văn hóa đọc cần được chuẩn bị công phu ngay từ lớp Một ở trường phổ thông.


[2] Những bộ sách soạn rất công phu của nước ngoài Nhập môn triết học (bộ Philosophy for Beginners hoặc bộ Introducing), thậm chí có bộ mang tên rất "khiêu khích" (Philosophy for dummies - "Triết học cho người thế mà đần") . Người viết bài này trong hai ba năm qua cũng hiệu đính hơn chục cuốn trong tủ sách Triết học cho trẻ em qua những đầu sách nhà xuất bản Tri thức đã công bố gần đây như: Con người là gì? - Tự do là gì? -Cười cái gì? - Con trai con gái- vui sống cùng nhau - Triết lý của điệu múa -Tranh cãi về Thượng đế-vì sao? - Tại sao con người gây ra chiến tranh - Già đi ư?Chẳng muốn đâu! vv...

1 nhận xét: