Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Thư viện trường học - Yếu tố của chất lượng giáo dục

Thư viện trường học (TVTH) là linh hồn của một trường học, nơi hội tụ kiến thức, tri thức của loài người giúp cho thầy, trò các nhà trường không chỉ dạy tốt- học tốt, mà còn mở mang trí óc, bồi đắp nhân cách, xây dựng nền tảng và phông văn hóa cá nhân. Thế nhưng không rõ tự lúc nào, TVTH mất đi các vị thế ấy. Ðể rồi giờ đây "linh hồn ấy" như đang phải nhen nhóm trở lại...


Từ hội thi giáo viên thư viện giỏi...
Ý thức sâu sắc được điều ấy, có một cơ quan chức năng- Nhà xuất bản Giáo dục (Bộ Giáo dục và Ðào tạo), ngoài nhiệm vụ biên tập, xuất bản và phát hành sách giáo dục, nhiều năm nay kiên trì, bền bỉ với công việc xây dựng thư viện trường học.
Hội thi cán bộ, thư viện giỏi toàn quốc (lần thứ ba), vừa được tổ chức ở cả ba miền trung - nam - bắc. Với ý nghĩa tôn vinh những cán bộ, giáo viên thư viện giỏi, qua đó cổ vũ thư viện các trường học vươn lên ngang tầm nhiệm vụ, góp phần dung dưỡng, bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục, hội thi vừa thể hiện mong muốn của Nhà xuất bản giáo dục (NXBGD), vừa phản ánh sự đồng cảm của những cán bộ, giáo viên làm công tác này, sự đồng thuận của hàng nghìn trường học các vùng miền.
Hơn 180 cán bộ, giáo viên thư viện giỏi từ các trường tiểu học đến trung học phổ thông, từ tỉnh Gia Lai, Ðác Lắc của khu vực Tây Nguyên xa xôi đến các tỉnh đồng bằng, vùng nông thôn hoặc đô thị được sàng lọc, tuyển lựa từ hàng nghìn cán bộ, giáo viên thư viện các quận, huyện, các tỉnh trong cả nước, hội tụ tại hội thi.
Các thí sinh dự thi theo hai nội dung: lý thuyết (30 câu trắc nghiệm về nghiệp vụ thư viện); thực hành: giới thiệu một cuốn sách, điểm sách theo chủ đề; và viết sáng kiến kinh nghiệm về công tác thư viện.
Một điểm dễ nhận thấy, các thí sinh bộc lộ kiến thức nghiệp vụ thư viện thiếu già dặn, hạn chế việc xử lý các tình huống trong nội dung giới thiệu sách, điểm sách. Sử dụng công nghệ thông tin chưa đúng chỗ, đúng lúc, hoặc có xu hướng "sân khấu hóa", "biểu diễn" cách giới thiệu sách, trong khi nghiệp vụ thư viện lại rất dung dị, đời thường, đòi hỏi người cán bộ, thư viện đọc nhiều, nhập tâm, yêu sách, yêu nghề... Ðó là những "hạt sạn" dễ thấy. Nhưng cũng phải công nhận rằng chất lượng hội thi lần này đã khác hẳn. Các thí sinh dự thi có tay nghề tương đối đều, ổn định, thể hiện sự đầu tư, sự hoạt động nghiệp vụ thư viện các trường học khá nền nếp. Hình thức giới thiệu sách của các thí sinh đa dạng, năng lực trình bày thuần thục hơn.
Với tám giải xuất sắc, 15 giải nhất, 41 giải nhì cá nhân... và 10 giải nhất, 15 giải nhì và 21 giải ba toàn đoàn, hội thi thật sự là ngọn lửa nhen nhóm nhiệt huyết mỗi cán bộ, giáo viên thư viện giỏi,  sự ấm nóng và tinh thông nghiệp vụ của mỗi thư viện trường học đang vươn lên thư viện đạt chuẩn quốc gia.
Ðà Nẵng - điểm sáng thư viện trường học
Chúng tôi đến thăm thư viện của Trường trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám, Trường trung học cơ sở Huỳnh Thúc Kháng, đều thuộc Ðà Nẵng. Ðây là một thành phố vào loại nhất nhì cả nước về công tác thư viện trường học, với 57% số thư viện trường đạt chuẩn, còn lại 43% số thư viện trường học chưa đạt chuẩn tập trung ở những trường tiểu học, THCS khó khăn vùng xa, vùng sâu hẻo lánh hoặc trường THPT tư thục. Có những huyện khó khăn như huyện Hòa Vang, 100% số trường đều có thư viện, 100% số trường tiểu học có thư viện đạt chuẩn.
Ðáng chú ý, dù còn có những nơi thư viện trường học chưa đạt chuẩn, nhưng ở Ðà Nẵng, 100% số cán bộ, giáo viên thư viện đều là cán bộ, giáo viên thư viện chuyên trách, một điều kiện bảo đảm công tác thư viện trường học có chất lượng, sâu xa góp phần bảo đảm chất lượng dạy và học của thầy, trò các nhà trường.
Lý giải điều này, Giám đốc Công ty sách - thiết bị dạy học Ðà Nẵng Nguyễn Văn Cần, cho rằng, trước hết là nhận thức của lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo thành phố coi thư viện trường học là trung tâm văn hóa, là công cụ phục vụ mục tiêu đổi mới phương pháp dạy và học. Ðồng cảm với tinh thần đó, công ty có cả một bộ phận chuyên tư vấn, giúp việc cho công tác thư viện trường học, đề xuất các chủ trương, xây dựng các danh mục sách giáo dục, đầu tư, hỗ trợ kịp thời các thư viện trường học. Nhưng khó nhất, lại là cơ chế chính sách. Cán bộ, giáo viên thư viện từ kiêm nhiệm khi trở thành chuyên trách, bị cắt luôn 30% phụ cấp trước đó khi họ còn là giáo viên. Ðiều đó đã không khuyến khích được chị em yên tâm và say nghề trong lĩnh vực này.
Chị Tôn Nữ Liên Hoa, cán bộ thư viện chuyên trách, có thâm niên 20 năm trong nghề (Trường THPT Hoàng Hoa Thám) bộc bạch: "Từ năm 2007 này, 30% phụ cấp cho cán bộ thư viện chuyên trách đã bị cắt, vì ngạch cán bộ thư viện chuyên trách không được coi là giáo viên. Ðiều vô lý là với gần 100 giáo viên, gần hai nghìn học sinh, với 17 nghìn bản sách tham khảo, bảy nghìn sách giáo viên, gần một nghìn sách giáo khoa lớp 10 phân ban đại trà, 85 nghìn sách giáo khoa phân ban thí điểm, thư viện cần hai biên chế, nhưng chỉ có một. Dù chúng tôi vẫn sống đàng hoàng, nhưng ngành cần có chế độ độc hại. Có thế, mới khuyến khích được cán bộ thư viện gắn bó với sách, với nghề, với trò".
...Ðến thực trạng công tác thư viện trường học
Nhưng điểm sáng thư viện trường học như Ðà Nẵng còn là số ít. Dù có những bước phát triển mới, thực tế cho thấy, nhận thức của không ít cán bộ quản lý giáo dục các cấp về thư viện trường học còn chưa đúng, dẫn đến thái độ thiếu quan tâm đầu tư, chỉ đạo cả về sách, cả về người. Ðến thời điểm này, cả nước vẫn còn tới 3.859 trường học chưa có thư viện trường học.
Hệ thống thư viện trường học chậm phát triển cả số lượng và chất lượng. Nhiều trường nếu có thư viện chỉ là hình thức, không phát huy được hiệu quả. Trong tổng số 23.344 trường có thư viện, số thư viện đạt chuẩn mới chỉ có 10.595 (tỷ lệ hơn 45%). Số cán bộ thư viện chuyên trách mới có 9.171 người (tỷ lệ 35,7%).
Ðáng chú ý, con số bình quân cán bộ thư viện mỗi năm một giảm sút. Năm 2002: 1,27 cán bộ/thư viện, năm 2003: 1,26, và đến năm 2006, chỉ còn 1,09 cán bộ/thư viện.
Ðã thế, đội ngũ này thường không ổn định, luôn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, trình độ nghiệp vụ chuyên môn không đồng đều. Chế độ chính sách cho đội ngũ này chưa hợp lý.
Cơ sở vật chất, các trang thiết bị trong thư viện trường học không đồng bộ, lạc hậu so với yêu cầu phát triển hiện nay. Số lượng, chủng loại sách trong thư viện trường học còn khá nghèo nàn. Sách tham khảo chất lượng cao, phù hợp yêu cầu nâng cao kiến thức cho học sinh, giáo viên còn quá ít ở tất cả các môn học, cấp học.
Tình trạng vừa thừa sách, vừa thiếu sách, hoặc "đói" sách ngay tại các thư viện trường học nhất là ở vùng sâu, vùng xa vẫn đang xảy ra. Bình quân, một năm mỗi thư viện trường học mới chỉ được đầu tư gần 6,7 triệu đồng, một con số quá ít ỏi, mặc dù con số tổng đầu tư mua sách không hề nhỏ: 155.670 tỷ đồng.
 Thực trạng đó cho thấy, hội thi cán bộ giáo viên thư viện giỏi đã khép lại, nhưng thư viện trường học, một trung tâm văn hóa, công cụ và là điều kiện quan trọng của chất lượng giáo dục, vẫn là vấn đề tiếp tục được mở ra, dài dài.
    Mục tiêu công tác thư viện trường học cần đạt từ nay đến năm 2010

Giai đoạn

Số trường
có TVTH (%)

Số TVTH
đạt tiêu
chuẩn (%) 
 Cán bộ, giáo viên thư viện
 Số TV có cán bộ, giáo viên phụ trách (%) 
 Số cán bộ, giáo viên chuyên trách/Tổng số CBGVTV
2006-2007
90%
65-70%
100%
40-50%
2007-2010
100%
70-80%
100%
60-65%

   - Nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, xây dựng, củng cố và phát triển thư viện trường học. Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, Nhà nước và nhân dân cùng làm để phát triển thư viện trường học như nhiều cơ sở giáo dục của thành phố Ðà Nẵng. 
 
- Bổ sung đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác thư viện, đầu tư kinh phí, thực hiện việc kiểm tra đánh giá hằng năm trong hệ thống tiêu chí thi đua của ngành.  
- Chăm lo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác thư viện (như giáo viên đứng lớp), từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác thư viện trong nhà trường phổ thông.


* Vì sao công tác thư viện trường học chưa hiệu quả? Xuất phát điểm vẫn là nhận thức của các cấp cán bộ quản lý giáo dục. Nhiều người thường đổ lỗi cho cơ sở vật chất, biên chế đội ngũ cán bộ thư viện, nhưng tại sao vẫn có những địa phương còn khó khăn, nhờ xã hội hóa giáo dục mà làm công tác thư viện trường học rất tốt, bằng phương châm vận động học sinh "góp một cuốn, được đọc nhiều cuốn". Trong công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông, với mục tiêu chống đọc - chép trong dạy và học, thư viện trường học là biện pháp hữu hiệu góp phần đắc lực cho công cuộc đổi mới này. Ngành GD và ÐT đang nghiên cứu và xây dựng "mô hình thư viện trường học giai đoạn mới" theo xu hướng "mở", với nguyên tắc, bất cứ lúc nào học sinh vào thư viện cũng có thể kiếm được sách, không bị gò vào khuôn mẫu như trước đây. 
                                                                                               Vũ Bá Hòa, Giám đốc Nhà xuất bản 
                                                                                                     Giáo dục tại TP Hồ Chí Minh 
* Khó khăn của công tác thư viện trường học hiện nay do nguồn kinh phí ít. Trường tôi là trường miền núi mới thành lập hai năm. Học sinh dân tộc Ê Ðê là chủ yếu. Các em rất thích đọc truyện tranh, truyện cổ tích, sách tham khảo. Nhưng thư viện nhà trường mới có 630 đầu sách, với hơn hai nghìn bản sách, mà lại không có sách tham khảo. Tôi thường phải tìm đọc các cuốn sách, thấy có tính giáo dục cao thì giới thiệu cho các em. Tôi mong các cấp quản lý quan tâm tới công tác này, vì thư viện trường học là điều kiện không thể thiếu để nâng cao chất lượng giáo dục. Ngay bản thân tôi, được đào tạo chuyên ngành nhưng cũng rất ít có cơ hội giao lưu, học hỏi. 
                                                                                                     Cô giáo Nguyễn Thị Thanh
                                                                                                  (Trường THCS Nguyễn Khuyến, 
                                                                                          thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar, tỉnh Ðác Lắc) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét