Có thể nói môn toán là khởi nguồn của mọi môn học, nếu bạn học tốt môn toán thì các môn còn lại không khó để vượt qua. Bởi lẽ học toán ngoài học thuộc lòng lý thuyết còn phải tư duy, vận dụng đầu óc để tìm ra cách giải, mỗi đề toán dù khó, dù dễ nó giống như một câu đố cần lời giải đáp, nếu bạn tìm ra lời giải thì thật là thú vị, cảm giác chiến thắng thật phấn khích.
Do đó để học tốt môn toán các bạn cần phải:
1. Tập trung, lắng nghe thầy cô giảng bài, chỗ nào chưa hiểu phải hỏi lại ngay (không được giấu dốt) đừng vì sợ các bạn “cười” mà không hỏi. Đây là một điều tối kỵ của sự học, có thể khi hỏi những điều người khác biết mà mình không biết các bạn sẽ có tâm lý “sợ quê”, “sợ dị” nhưng cái “không hiểu” còn đáng sợ hơn gấp trăm, gấp ngàn lần. Cái cảm giác “quê”, “dị” đó chỉ thoáng qua thôi còn cái “không hiểu” sẽ đeo đẳng ta suốt đời.
2. Học thuộc các công thức, định lý, định nghĩa, ... (thường thì nó rất ngắn, logic nhưng khô khan). Đây là điều cốt yếu, nếu bạn không biết lý thuyết toán thì đừng mong gì giải toán. Nếu bạn thấy khó nhớ quá thì có thể chép đi chép lại nhiều lần (giống như chép phạt) đến khi nào thuộc thì thôi.
3. Vận dụng lý thuyết để giải bài tập. Làm từ bài dễ nhất đến bài khó nhất, không giải lung tung mà phải làm từng bước 1, dù cho bài toán có dễ đến đâu đi nữa cũng phải làm cho hoàn chỉnh không được làm tắt. Nếu bạn chưa thuộc lòng lý thuyết thì phải giải đi giải lại nhiều lần một dạng toán cho thuộc, thông qua đó bạn sẽ ghi nhớ được công thức toán và dạng bài tập.
4. Bù lỗ hổng kiến thức toán ngay lập tức. Có những bài toán giải xong nhưng những kiến thức cũ trong đó mình đã quên thì phải học lại ngay. Tìm, mượn những cuốn sách cũ để học, hiểu lại cho tường tận kiến thức đó, bạn có thể chép vào một cuốn sổ tay để ghi nhớ.
5. Lưu lại những bước giải, mẹo hay của những dạng toán. Mọi bài toán đều có từng bước một, bạn cần lưu lại nó, học thuộc nó để khi gặp là cứ theo trình tự đó mà làm.
6. Rèn luyện tính tư duy trước mọi sự vật, sự việc. Khi gặp bài toán nâng cao hoặc dạng toán mới, hãy vận dụng tính tư duy của bạn để tìm ra cách giải, tuy nhiên mọi sự trợ giúp chỉ tốt trước khi thi, còn khi đã ngồi trong phòng thi thì phải dựa vào chính mình.
7. Phân chia thời gian học hợp lý. Môn toán là môn ít lý thuyết nhưng bài tập nhiều, do đó bạn cần phải phân chia thời gian sao cho hợp lý, để học lý thuyết và thực hành được trọn vẹn mà vẫn đảm bảo sức khoẻ. Học gì thì học nhưng sức khoẻ là điều quan trọng, sức khoẻ không tốt thì không thể làm tốt việc gì cả. Việc chia thời gian biểu ví dụ như: Buổi tối (19h-22h) thường ồn ào nên áp dụng cho thực hành, sớm dậy (4h-6h) thường yên tĩnh nên áp dụng cho lý thuyết.
Mong rằng những điều chia sẻ của tôi sẽ giúp được các bạn học tốt môn toán và chinh phục các môn học khác. Các bạn thành công thì những điều chia sẻ của tôi mới có ích. Trân trọng cảm ơn các bạn! Chúc các bạn học tốt!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét