Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ

Trong 365 ngày của một năm, phụ nữ có riêng một ngày để được xã hội quan tâm và bù đắp những thiệt thòi, vất vả trong cuộc sống. Họ luôn âm thầm hy sinh và chịu đựng để xây dựng hạnh phúc gia đình. Vì vậy, họ xứng đáng nhận được sự tôn trọng và quan tâm hơn nữa từ một nửa kia còn lại của thế giới, chia sẻ với họ những khó khăn trong công việc và gia đình.

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

9 kỹ năng đọc sách hiệu quả


Đọc sách là cách để bạn bổ sung kiến thức, nhưng khi thời lượng có hạn hoặc sách cần đọc quá nhiều thì bạn cần những "tuyệt chiêu" giúp "đánh nhanh rút gọn" mà phải thật hiệu quả.

Phân loại tài liệu đọc

Có rất nhiều loại tài liệu cần thiết, nhưng nhìn chung chúng có 3 loại sau: Loại 1: tài liệu tin tức hàng ngày (facebook, báo chí, tin nhắn, E.mail…); Loại 2: các loại sách truyện (tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ,…); Loại 3: Các loại sách giáo khoa, sách nâng cao, tham khảo, tài liệu chuyên sâu liên quan đến học tập…

Việc phân loại rõ ràng các tài liệu cần đọc giúp ta có được cách thức và tốc độ đọc phù hợp. Loại 1 và 2 thì đọc nhanh hơn, khái quát hơn. Loại thứ 3 thì cần nghiền ngẫm, đọc kỹ lưỡng hơn.


Sử dụng “vật dẫn đường”

Đã bao giờ bạn đang đọc nhưng bất ngờ quên mất không biết mình đang đọc đến dòng nào? Hay đang đọc đoạn này nhưng lại bị thu hút bởi một đoạn khác và phải mất không ít thời gian để tìm lại đoạn vừa đọc? Đó là vì mắt của chúng ta có tầm bao quát rất rộng và có tốc độ xử lý rất cao, do vậy, nếu đọc bằng cách chỉ nhìn vào sách thì bạn rất dễ bị mất tập trung.

Để khắc phục việc mắt “đi hoang”, bạn nên tìm một vật “dẫn đường” khi đọc. Ví dụ, khi đọc bạn dùng một cây bút hoặc chính ngón tay của mình lia theo dòng chữ, điều này giúp bạn sẽ không bị lạc mất dòng khi đang đọc.

Tăng "khẩu độ" mắt

Tốc độ xử lí của mắt nhanh hơn chúng ta tưởng rất nhiều, vì vậy để mắt đọc từng chữ là vô cùng lãng phí. Để tăng tốc độ đọc chúng ta không nên đọc từng chữ mà cần đọc nhiều chữ cùng một lúc.

Theo nghiên cứu, trung bình trong một tích tắc mắt có thể đọc được từ 3 đến 5 chữ, đây gọi là khẩu độ mắt. Khẩu độ mắt sẽ được trợ giúp bằng tốc độ lia đi của “vật chỉ đường” như đã nhắc ở trên và tất nhiên sẽ tăng lên bằng việc rèn luyện đọc hằng ngày.

Không đọc trong sự im lặng “đáng sợ”

Rất nhiều người hiểu lầm rằng không gian đọc càng im lặng thì khả năng tập trung và ghi nhớ càng cao, điều này hoàn toàn sai lầm. Đã có những thí nghiệm thực tế chứng minh không ai có thể chịu đựng được quá 10 phút khi ở trong một môi trường bị loại bỏ hoàn toàn âm thanh.

Vì vậy, khi đọc sách hãy tạo ra một không gian thoải mái nhất có thể và một gợi ý là âm nhạc. Hãy bật những bản nhạc phù hợp lên khi đọc sách, những bản nhạc có giai điệu không quá nhanh, cũng không quá chậm, mà nhẹ nhàng, dễ nghe, và có tiết tấu vừa phải, điều này giúp ta tiếp thu bài tốt hơn.

Đọc phần tóm tắt trước khi đọc chi tiết

Trước khi muốn khám phá và nắm bắt điều gì đó, bạn cần phải hiểu nó là cái gì? Nó như thế nào? Nguồn gốc xuất xứ của nó? Đọc sách cũng như vậy, bạn cần hiểu bạn đang đọc cái gì và khi bạn hiểu được cái cốt của tài liệu bạn sẽ đọc và nắm bắt nó nhanh hơn.

Ví dụ, khi bạn đọc một cuốn tiểu thuyết dài, như Tam quốc diễn nghĩa chẳng hạn. Nếu bạn đọc trước cốt truyện, hiểu được vai trò, vị trí, tính cách của các nhân vật chính, quá trình đọc sẽ nhanh hơn. Thêm nữa, việc đọc trước cốt truyện còn giúp bạn biết chỗ nào nên đọc lướt và chỗ nào nên đọc kỹ. Đảm bảo, những nhà bác học đã đọc “1 vạn cuốn sách” không ai có đủ khả năng đọc kỹ tất cả mà họ phải biết chắt lọc những điều cần thiết.

Phân bố thời gian phù hợp

Bộ não của chúng ta có thể hoạt động hiệu quả và mạnh mẽ nhất trong khoảng thời gian từ 45 đến 60 phút. Chính vì vậy, để việc đọc hiệu quả nhất hãy duy trì thời gian đọc như vậy.

Rất nhiều người trong chúng ta khi đọc sách thường đọc trong khoảng thời gian vài tiếng đồng hồ, điều này vừa hại sức khỏe lại ảnh hưởng đến chất lượng đọc. 

Khoảng thời gian đọc tốt nhất giống như khoảng gian hoạt động tốt nhất của não bộ, cứ 45 hoặc 60 phút bạn hãy dành thời gian cho mắt và não nghỉ ngơi, chỉ 5 phút mát xa mắt, hay nghe một bài hát việc đọc của bạn sẽ tốt hơn.

Lựa chọn không gian phù hợp

Cũng giống với học bài, để tập trung đọc bạn cũng cần có một không gian đọc phù hợp. Có người thích một không gian gọn gàng, có người lại thích hơi bừa bộn một chút, có người thích đọc trong phòng, có người lại thích đọc trên thư viện, ngoài công viên xanh,…

Hãy lựa chọn cho mình một không gian phù hợp nhất bằng cách “thử”. Bạn hãy thử đọc sách trong nhiều không gian khác nhau, và khi thấy phù hợp nhất thì hãy lựa chọn không gian đó.


Cân bằng các loại tài liệu và đọc trên nhiều phương tiện khác nhau

Như đã nói ở phần đầu, có 3 loại tài liệu chúng ta cần thường xuyên sử dụng. Để tránh nhàm chán, hãy đan xen các loại tài liệu với nhau, vừa để tăng hứng thú vừa để phát huy hiệu quả.

Ví dụ, trong một buổi sáng (khoảng 3 tiếng), bạn đừng chỉ đọc sách giáo khoa, nâng cao hay tham khảo, hãy xen kẽ vào đó một khoảng thời gian ngắn để lên mạng đọc báo, nắm tin tức,… điều này cũng bổ sung kiến thức xã hội cho chúng ta trong học tập và kết bạn.

Bạn cũng có thể đọc trên nhiều phương tiện khác nhau như: sách, truyện, điện thoại, máy tính,… việc đa dạng hóa phương tiện đọc sẽ giúp bạn linh hoạt hơn thời gian đọc của mình.

Không bắt con làm việc nhà là hại con


Chuyện một học sinh lớp 10 chưa biết cách cầm chổi để quét nhà, hay một nữ sinh lớp 9 không hề biết cách giặt quần áo...là hiện tượng khá phổ biến ở các gia đình thành phố.

Những gia đình có điều kiện, nhà có người giúp việc nên hầu như mọi việc nhà trẻ từ bé đến lớn không hề phải động tay. Mọi việc trong nhà hay những sinh hoạt cá nhân đều có “ô sin” hay mẹ làm hộ đã và đang trở thành xu thế chung của các gia đình.

L‎ý giải cho điều này, nhiều bà mẹ bao biện, con cái bài vở ngập đầu, thôi để chúng nghỉ ngơi…Thật ra, dạy con biết làm những công việc vừa sức, phù hợp là một điều rất quan trọng.

Như thế, trẻ sẽ biết được giá trị của lao động. Khi con trẻ bắt tay vào làm một việc gì đó, chúng sẽ tự biết trân trọng thành quả do chính đôi bàn tay mình làm ra.

Làm việc sẽ trở thành một thói quen tốt, tạo cho người ta sự gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ. Dạy con lao động cũng là để chúng giảm stress. Lúc nào cũng ôm khư khư quyển sách hay cắm đầu vào những bài tập, máy tính chưa phải là tốt. Dạy con biết làm việc còn giúp cho tình cảm giữa những thành viên trong gia đình trở nên gắn bó. Con cái sẽ biết chia sẻ với bố mẹ trong khả năng chúng có thể…

Không bắt con làm gì không phải đã là thương con. Nhất là khi gia đình có con gái thì dạy con biết làm việc nhà là một điều vô cùng quan trọng. Bởi vì chúng ta có sống được cả đời để chơ chở và làm thay con được đâu!      

Ước mơ và hiện thực


Năm ngoái, vừa hết năm học, tôi đã hăng hái hỏi các bạn về kế hoạch vui hè. Đi đâu chơi? Học gì? Làm việc gì? Nghe các bạn nói, mỗi người theo đuổi một môn năng khiếu trong dịp hè, tôi tò mò, hào hứng lắm.

Thế là tôi nằng nặc đòi mẹ mua ghi ta để đi học đàn cùng bạn Tiến, xin tiền mẹ để đăng ký học tiếng Anh với bạn Vinh, rồi là học vẽ ở Cung thiếu nhi, học karate, vi tính… Mẹ cười, nói:

- Phải sắp xếp thời gian biểu cho hợp lý, rồi tìm hiểu xem môn học có phù hợp với mình không, con có theo được thì mới đăng ký, kẻo mất thời giờ và tốn kém vô ích đấy, cậu cả của mẹ nhé!

Tôi cười, tự tin hứa:

- Vâng ạ! Con sẽ học được, mẹ ạ!

Vừa nói tôi vừa say sưa tưởng tượng viễn cảnh mình đệm đàn cho đội văn nghệ trên sân khấu, cả trường vỗ tay rào rào. Bao nhiêu cặp mắt trầm trồ thán phục khi thấy mình chơi ghi-ta cho mà xem!... 

Mình sẽ ra tay nghĩa hiệp, hạ gục một bọn cướp nguy hiểm, truyền hình sẽ đưa tin ấy và rồi mẹ sẽ tự hào về cậu bé karate của mẹ… Mình sẽ trở thành họa sĩ nổi tiếng, tranh của mình sẽ được treo ở bảo tàng…

Mẹ cũng phấn khởi khi thấy tôi quyết tâm theo học các môn năng khiếu. Mỗi khi nói chuyện với bạn bè, mẹ hay khoe, lúc thì "Bi hả, đang tập đàn", "À, cháu nó đang học vẽ… Gớm, cứ la liệt khắp nhà những màu với tranh đây này"… 

Dù bận việc cơ quan, lại đang theo học thạc sĩ nhưng mẹ vẫn thu xếp thời gian đưa đón tôi đi học ở các lớp năng khiếu, tìm mua sách tham khảo, sách hướng dẫn học đàn, học vẽ, học võ… và giành lấy việc nhà để tôi có thời gian học. 

Nhưng rồi tôi nhanh chóng hiểu, hóa ra học năng khiếu cũng không đơn giản chút nào. Mới theo học tới buổi thứ hai thứ ba gì đó, lòng nhiệt huyết, sự hào hứng ban đầu của tôi dần teo lại. 

Môn học nào cũng cần tập đi tập lại, mệt và căng thẳng. Tính tôi không kiên trì nên chẳng học nổi bài tập nào đến nơi đến chốn. Mẹ thở dài: 

- Cả thèm chóng chán, đánh trống bỏ dùi thế này thì nên cơm cháo gì đây…

Tôi lại hứa, lại cố… Rồi mỗi buổi đi học năng khiếu trở thành cực hình. Thế là tôi tìm cách trốn học. Viện lý do đau bụng, đau đầu… Mẹ biết chuyện, tỏ ra nghiêm khắc:

- Từ giờ mẹ không chiều nữa đâu. Thôi, thì nghỉ. Cũng vào năm học rồi, tập trung học văn hóa cho tốt đã, con ạ! 

Tôi rất xấu hổ, cái gì cũng "chấm mút" tí ti rồi cuối cùng chẳng biết cái gì cả… Rồi tôi hạ quyết tâm: Học văn hóa cho tốt đã!

Năm học vừa rồi, tôi đạt danh hiệu học sinh giỏi, lần đầu tiên sau bốn năm học. Biết tin ấy, mẹ khoe ngay với bà ngoại, giọng như nghẹn lại: "Cháu Bi là học sinh giỏi đấy, mẹ ạ…". 

Làm gì, học gì thì cũng phải làm cho tốt, đừng có chạy theo phong trào, mỗi thứ một tí rồi thành ra chẳng biết gì - đó là điều rất quan trọng mà tôi đã hiểu ra đấy, các bạn ạ! Bởi thế, hè này tôi chọn học bơi và học karate, chỉ thế thôi chứ không ôm đồm nữa.      

Làm sao để học tốt môn toán?



Có thể nói môn toán là khởi nguồn của mọi môn học, nếu bạn học tốt môn toán thì các môn còn lại không khó để vượt qua. Bởi lẽ học toán ngoài học thuộc lòng lý thuyết còn phải tư duy, vận dụng đầu óc để tìm ra cách giải, mỗi đề toán dù khó, dù dễ nó giống như một câu đố cần lời giải đáp, nếu bạn tìm ra lời giải thì thật là thú vị, cảm giác chiến thắng thật phấn khích.

Do đó để học tốt môn toán các bạn cần phải:

1. Tập trung, lắng nghe thầy cô giảng bài, chỗ nào chưa hiểu phải hỏi lại ngay (không được giấu dốt) đừng vì sợ các bạn “cười” mà không hỏi. Đây là một điều tối kỵ của sự học, có thể khi hỏi những điều người khác biết mà mình không biết các bạn sẽ có tâm lý “sợ quê”, “sợ dị” nhưng cái “không hiểu” còn đáng sợ hơn gấp trăm, gấp ngàn lần. Cái cảm giác “quê”, “dị” đó chỉ thoáng qua thôi còn cái “không hiểu” sẽ đeo đẳng ta suốt đời. 

2. Học thuộc các công thức, định lý, định nghĩa, ... (thường thì nó rất ngắn, logic nhưng khô khan). Đây là điều cốt yếu, nếu bạn không biết lý thuyết toán thì đừng mong gì giải toán. Nếu bạn thấy khó nhớ quá thì có thể chép đi chép lại nhiều lần (giống như chép phạt) đến khi nào thuộc thì thôi.

3. Vận dụng lý thuyết để giải bài tập. Làm từ bài dễ nhất đến bài khó nhất, không giải lung tung mà phải làm từng bước 1, dù cho bài toán có dễ đến đâu đi nữa cũng phải làm cho hoàn chỉnh không được làm tắt. Nếu bạn chưa thuộc lòng lý thuyết thì phải giải đi giải lại nhiều lần một dạng toán cho thuộc, thông qua đó bạn sẽ ghi nhớ được công thức toán và dạng bài tập.

4. Bù lỗ hổng kiến thức toán ngay lập tức. Có những bài toán giải xong nhưng những kiến thức cũ trong đó mình đã quên thì phải học lại ngay. Tìm, mượn những cuốn sách cũ để học, hiểu lại cho tường tận kiến thức đó, bạn có thể chép vào một cuốn sổ tay để ghi nhớ.

5. Lưu lại những bước giải, mẹo hay của những dạng toán. Mọi bài toán đều có từng bước một, bạn cần lưu lại nó, học thuộc nó để khi gặp là cứ theo trình tự đó mà làm.

6. Rèn luyện tính tư duy trước mọi sự vật, sự việc. Khi gặp bài toán nâng cao hoặc dạng toán mới, hãy vận dụng tính tư duy của bạn để tìm ra cách giải, tuy nhiên mọi sự trợ giúp chỉ tốt trước khi thi, còn khi đã ngồi trong phòng thi thì phải dựa vào chính mình.

7. Phân chia thời gian học hợp lý. Môn toán là môn ít lý thuyết nhưng bài tập nhiều, do đó bạn cần phải phân chia thời gian sao cho hợp lý, để học lý thuyết và thực hành được trọn vẹn mà vẫn đảm bảo sức khoẻ. Học gì thì học nhưng sức khoẻ là điều quan trọng, sức khoẻ không tốt thì không thể làm tốt việc gì cả. Việc chia thời gian biểu ví dụ như: Buổi tối (19h-22h) thường ồn ào nên áp dụng cho thực hành, sớm dậy (4h-6h) thường yên tĩnh nên áp dụng cho lý thuyết.

Mong rằng những điều chia sẻ của tôi sẽ giúp được các bạn học tốt môn toán và chinh phục các môn học khác. Các bạn thành công thì những điều chia sẻ của tôi mới có ích. Trân trọng cảm ơn các bạn! Chúc các bạn học tốt!                    

Giáo dục Phần Lan: Tuyệt đối tin trẻ


Trong vòng 20 năm, nền giáo dục Phần Lan tạo ra một cuộc "đại nhảy vọt" thúc đẩy kinh tế phát triển, trở thành một trong những hình mẫu tham khảo của thế giới. Triết lý giáo dục Phần Lan: Lòng tin-Bình đẳng-Hợp tác. Họ nêu cao phương châm dạy để học chứ không đề cao thi cử...

Trong quyển sách “Thế giới có thể học hỏi điều gì từ nền giáo dục Phần Lan”, GS Pasi Sahlberg, nhà giáo dục nổi tiếng, Tổng Giám đốc Trung tâm Luân chuyển và Hợp tác quốc tế Phần Lan, đã chỉ ra rằng giáo dục Phần Lan dựa trên triết lý niềm tin - yếu tố tạo ra chính sách, phương pháp dạy học rất đặc trưng.

Tin mỗi trẻ em đều có khả năng riêng

Triết lý cơ bản của nền giáo dục Phần Lan là niềm tin vào khả năng của con người. Những người làm chính sách giáo dục của Phần Lan tin rằng bất kỳ ai cũng mang trong mình những giá trị có thể đóng góp cho xã hội. Mục đích của giáo dục, không phải là đưa con người vào một khung khổ, mà là giúp học viên phát hiện và phát huy tố chất vốn có của bản thân. Do đó trường học là nơi rất bình đẳng, mọi học sinh đều hưởng những cơ hội ngang nhau, để trẻ tự do phát triển cá tính, nguyện vọng và tài năng.

Nhiều ý kiến chỉ trích nền giáo dục theo triết lý bình đẳng dẫn tới tâm lý cào bằng, triệt tiêu tài năng và không thể áp dụng trên thực tế. Các nhà làm chính sách giáo dục cũ còn quan niệm rằng tài năng trong xã hội phân bố không đồng đều. GS Pasi Sahlberg chứng minh điều này khi chỉ vào kết quả của hệ thống giáo dục cũ tại Phần Lan: Sau bảy năm giáo dục bắt buộc hệ phổ thông, chỉ một số ít trẻ em có thể học tiếp lên bậc trung học hoặc các trường công dân do hội đồng thành phố lập nên. Còn lại sẽ phải rời giảng đường.

Trong suốt thập niên 1970, Phần Lan đã thực hiện cuộc cải cách giáo dục bậc phổ thông. Các trường tiểu học, trung học, trường công dân được gộp chung thành bậc phổ thông chín năm. Giáo dục chất lượng cao không còn được coi như đặc quyền của dân thành thị. Trong cấp học chín năm nói riêng, cả hệ thống nói chung, những người học có xuất thân và tố chất khác nhau đều có cơ hội và yêu cầu đầu ra gần như nhau.

Dạy để học chứ không phải để thi

Trong hệ thống giáo dục mới, bài kiểm tra - công cụ trước nay được dùng để đánh giá lại quá trình giảng dạy của thầy và đong đo kết quả của trò - đã trở nên vô dụng và bị bãi bỏ. Trẻ em Phần Lan không bị chấm điểm bài làm trước khi học xong lớp 5, càng không phải thi cử nặng nề trước năm 18 tuổi.

Người dân ở đây quan niệm nhà trường là nơi đào tạo ra các công dân tốt cho một xã hội dân chủ chứ không phải để khoe thành tích hay luyện ra những con rối chỉ để cung cấp cho cuộc cạnh tranh khốc liệt ngoài thị trường lao động. Do đó môi trường học tập tại Phần Lan nhìn chung thoải mái hơn so với nhiều nước và tránh tối đa áp lực điểm số.

Bên cạnh đó, chính sách giáo dục Phần Lan cũng tin rằng mỗi nhà trường đều có phương pháp phù hợp riêng và mỗi giáo viên cũng có cách riêng để dạy học trò của mình một cách tốt nhất. Thế nên chính sách giáo dục không khắt khe về mặt quy định nội dung, phương pháp hay áp đặt yêu cầu ngặt nghèo với thầy, cô giáo. Thay vào đó, Quốc hội thiết lập những nguyên tắc cơ bản của chính sách giáo dục. Nhiệm vụ của chính phủ là cung cấp kinh phí cho các trường học và thông qua Bộ Giáo dục ban hành những chính sách về giáo dục. Ban Giáo dục Quốc gia tổ chức vạch ra chương trình giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cung cấp các dịch vụ liên quan. Nhìn chung, cũng như vai trò của giáo viên đối với học sinh, vai trò của nhà nước đối với ngành giáo dục là hướng dẫn và hỗ trợ hơn là cai quản.

Không ở lại lớp nhưng cũng không ngồi nhầm lớp

Phần Lan cho rằng mỗi học sinh bị rơi rụng trong quá trình học sẽ là tổn thất đối với xã hội. Trước đây, tình trạng lưu ban khá phổ biến do học sinh không đủ điều kiện ở một môn nào đó. Học lại một lớp đồng nghĩa với việc mất đi một năm để bù đắp cho những khiếm khuyết có thể khắc phục trong thời gian ngắn hơn hẳn. Do đó giáo dục Phần Lan có một nguyên tắc nữa là “không ai bị bỏ lại phía sau” nhưng cũng không được để bị ngồi nhầm lớp.

Bí quyết để khắc phục khó khăn nơi người học là phát hiện và giải quyết vấn đề khó khăn của trẻ từ sớm. Người làm chính sách giáo dục Phần Lan hiểu rằng học sinh không chỉ ngồi trong lớp học mà còn chịu tác động từ cuộc sống bên ngoài như gia đình, bạn bè, mọi người xung quanh… Vậy nên giáo dục Phần Lan không đứng riêng một mình mà liên kết chặt chẽ với các lĩnh vực khác.

Theo đó, mọi học sinh được hưởng dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý để phát triển toàn diện. Ở trường các em được ăn bữa trưa miễn phí, không phải đóng học phí và hưởng các dịch vụ phúc lợi khác. Các bậc cha mẹ cũng được nhà trường quan tâm, tư vấn cách thức chăm sóc, phương pháp giáo dục, giúp con vượt qua khó khăn ở nhà. Điều này giúp xóa bỏ đáng kể các khác biệt xuất phát từ bên ngoài nhà trường, để mọi người đi học đều có xuất phát điểm gần như nhau. Hạn chế tư tưởng ganh ghét và đố kỵ hay phân biệt giai tầng xã hội xuất hiện trong đầu trẻ khi trẻ chưa đủ nhận thức.

Những trở ngại phát sinh trong quá trình học, ví dụ như các học sinh chậm hiểu, thích đùa nghịch, ham chơi hơn ham học… được giải quyết bằng nhiều cách khác nhau. Một phương pháp đơn giản thường gặp là cho giáo viên kèm trực tiếp, đồng thời trò chuyện, tâm sự với các em học sinh yếu kém. Trong giờ giảng, ngoài giáo viên chính sẽ có thêm một người nữa làm nhiệm vụ hỗ trợ riêng cho những học sinh nào gặp khó khăn với môn học đó.

Học sinh gặp khó khăn đặc biệt trong học tập, tâm lý, thể chất… cũng có thể được chuyển sang học các khóa đặc biệt, với kiểu bán thời gian hoặc toàn thời gian, được cung cấp bởi nhà trường hoặc một tổ chức khác. Việc theo học khóa đặc biệt cần phải có giấy xác nhận của chuyên gia về tâm lý, y tế hoặc phúc lợi xã hội và nhất thiết phải được trao đổi với phụ huynh. Các khóa giáo dục đặc biệt này khác với lớp học thêm ở mục đích giúp học sinh khắc phục các vấn đề trong việc học chứ không phải để luyện thi. Thời khóa biểu của mỗi học sinh đều được sắp xếp đặc biệt cho phù hợp với riêng từng em đó.


Nền giáo dục phá cách nhưng rất hiệu quả

Đối với nhiều quốc gia, giảng đường là nơi đào tạo ra nguồn nhân lực có sức cạnh tranh cao trong thị trường. Học sinh khi ra trường phải đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế để tồn tại và phát triển sự nghiệp. Nhưng điểm yếu của phương châm giáo dục hướng thị trường là bỏ quên vấn đề bất bình đẳng về cơ hội. Hệ quả là những trường học tốt nhất thường dành cho những đối tượng giàu nhất. Theo tạp chí Forbes, 45,6% sinh viên Harvard (Mỹ) xuất thân từ gia đình có thu nhập hằng năm trên 200.000 USD, tức nằm trong nhóm 3,8% các hộ có thu nhập cao nhất nước Mỹ.

Một quan niệm khác cũng đang phổ biến tại nhiều nước đó là cần kiểm tra, thi cử để đánh giá chất lượng học sinh. Nhưng Phần Lan là trường hợp cá biệt. Học sinh dù được hướng nghiệp rất tốt nhưng không bao giờ đến lớp với tâm thế phải cạnh tranh khốc liệt để có việc sau khi ra trường.

Trẻ em Phần Lan được gạt bỏ đi áp lực điểm số, hưởng thụ nền giáo dục thoải mái hàng đầu thế giới. Trang The Conversation cho biết trẻ em Phần Lan 9-11 tuổi chỉ ở trường trong khoảng 640 giờ mỗi năm, ít hơn đáng kể so với trẻ em Anh (899 giờ), Pháp (847 giờ) hoặc Nhật (800 giờ).

Nhìn có vẻ Phần Lan đang đi ngược xu thế chung nhưng học sinh Phần Lan thể hiện thành tích đáng nể. Chẳng hạn, học sinh Phần Lan đạt hạng sáu ở môn toán, hạng nhì môn khoa học, hạng ba môn đọc trong kỳ thi PISA 2009. Nhìn sang Mỹ, thứ hạng của học sinh trong các môn trên lần lượt là 30, 23 và 17.

Không phải hay là ai cũng “dụng” được

GS Sahlberg nói rằng nếu chỉ xem xét bề nổi trong giảng đường ở Phần Lan thì người ta cũng dạy và học tương tự như ở Mỹ mà thôi. Những tinh hoa thực sự của giáo dục Phần Lan nằm ở triết lý về giáo dục: Phải có niềm tin vào con người. Nó đòi hỏi trình độ và lương tâm của giáo viên; tính tự giác của học sinh và tinh thần trách nhiệm của xã hội. Không dựa trên quan điểm đó, nếu vẫn tồn tại sự lo sợ và hoài nghi vào trẻ em và thầy cô thì việc chọn mô hình giáo dục bình đẳng và nhẹ nhàng như Phần Lan đang làm quả thật là một lựa chọn đầy rủi ro.                    

Giáo dục Nhật Bản:“Giáo dục đạo đức” là cốt lõi


Ngành Giáo dục Nhật Bản có vị thế tốp đầu thế giới như hiện nay vốn được xây dựng trên triết lý “con người = đạo đức”, đề cao tuyệt đối tính kỷ luật và tinh thần tự lập.

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định giáo dục Nhật Bản thời kỳ cận-hiện đại được bắt đầu từ thời Minh Trị (1868-1912). Tuy nhiên, các văn bản pháp luật, các quy định giáo dục thời Minh Trị chưa nhắc đến “triết lý giáo dục”. Mãi sau Thế chiến thứ II, các nhà nghiên cứu giáo dục người Nhật cho rằng giáo dục Nhật Bản ngay từ trước 1945 vận hành theo triết lý “mỗi người học sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức” - được thể hiện trong Sắc chỉ giáo dục (hay còn được biết đến là “thánh chỉ” của Thiên hoàng Minh Trị ban bố vào năm 1879). Triết lý “đạo đức” trong thánh chỉ của Minh Trị chứa thông điệp giáo dục đạo đức mang màu sắc Nho giáo - hết lòng vì vua, trung quân mới là ái quốc.

Từ “thầy công bằng” đến “trò cống hiến”

Thời Minh Trị, từ triết lý “đạo đức”, không phân biệt hoàn cảnh, sắc tộc, tôn giáo, giai tầng của bất cứ thanh niên nào, hễ có tiềm năng và phát huy được tố chất, mong mỏi và khát vọng phát triển quốc gia, chính phủ Nhật liền đưa sang các nước phương Tây để tiếp thu các giá trị khoa học kỹ thuật, công nghệ mới rồi quay về phục vụ “vua”. Triết lý “đào tạo người phục vụ cho đất nước” dựa trên nguyên tắc công bằng nhanh chóng mang về hiệu quả khi nhân tài từ phương Tây trở về phục vụ Nhật Bản.

Giáo dục Nhật nhờ đó mà học hỏi tinh túy từ hệ thống giáo dục nước ngoài: Hệ thống hành chính giáo dục chặt chẽ và trật tự của Pháp; hệ thống đại học “người dẫn đầu”, tập trung phát triển giáo dục đại học theo mô hình các trường đại học ưu tú của Đức; mô hình trường học công lập dựa trên đạo đức và sự công bằng cho mọi người từ Anh; cùng với phương châm “Trường học phải đảm bảo sự phát triển cho tất cả trẻ em” đến từ John Dewey, một nhà triết học và nhà cải cách giáo dục Mỹ. Nhờ việc dạy cho trẻ triết lý “ái quốc”, một lực lượng đông đảo trí thức Nhật tiếp thu Tây học nhanh chóng quay về, đưa Nhật Bản theo kịp quá trình hiện đại hóa quốc gia với nhiều nước phương Tây.

Bài 2: Nhật Bản:“Giáo dục đạo đức” là cốt lõi

Hiện nay các lớp học ở Nhật không tổ chức theo kiểu “gom học sinh có điểm số cao lại với nhau”. Nhà trường cũng không chủ trương “khoe” kết quả học tập của các em đến mọi người, vì cho rằng điểm số không phản ánh được khả năng thực sự của trẻ, mọi học sinh đều có cơ hội học tập trong môi trường bình đẳng.

Cho đến vài năm gần đây Nhật Bản mới chủ trương thí điểm kỳ thi cho các em lớp 6 và lớp 9 nhằm giám sát hiệu suất của hệ thống giáo dục chứ không phải đánh giá năng lực học sinh. Kỳ thi chính thức duy nhất chỉ được tổ chức để các em học sinh vào học trường trung học và đại học.

Gánh nặng thi cử được chia sẻ lên vai của thầy cô, cha mẹ, bạn bè cùng lớp của các em học sinh. Thầy cô dạy cho trẻ nghĩa vụ giúp bạn vượt khó vì đó là giá trị “đạo đức” - yếu tố truyền thống của người Nhật, đồng thời cũng là cơ hội để cả học sinh yếu tiến bộ, còn học sinh giỏi trải nghiệm và rút kinh nghiệm được nhiều điều từ người bạn của mình.

Trách nhiệm của thầy cô với trẻ rất cao, được thể hiện thông qua môi trường học tập thầy cô xây dựng cho trẻ trải nghiệm; mối quan hệ tương trợ của thầy cô với trẻ em ngoài giờ học; sự kết hợp giữa thầy cô với phụ huynh để giúp trẻ vượt khó khăn và phát triển toàn diện. Năng lực của giáo viên được đánh giá thông qua những thành quả hiện hữu, những sáng kiến đột phá, mức độ đóng góp vì cộng đồng… của các em học sinh mà họ giảng dạy (chứ không phải điểm số).

Bên cạnh đó, hiệu trưởng và giáo viên của các trường học được phân bố theo các quận và luân chuyển thường xuyên để đảm bảo rằng không có bất kỳ sự độc tài nào tồn tại. Chưa kể việc phân bổ tài chính, y tế, khuyến học… từ chính phủ cũng rất công bằng, nhằm hình thành tư duy công bằng trong suy nghĩ trẻ. Từ triết lý “đạo đức”, môi trường giáo dục công bằng qua nhiều thế hệ tạo ra một nước Nhật rất minh bạch, với tỉ lệ tiêu cực và tham nhũng rất thấp. Theo số liệu mới nhất, Nhật Bản đứng thứ 17/178 nước trên thế giới về minh bạch.

Ý thức “tuân thủ kỷ luật” tuyệt đối

Chuyên gia giáo dục Bassey Ubong (Nigeria) trong bài viết “Triết lý giáo dục và những ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển của quốc gia” đã dẫn lời nhà nghiên cứu giáo dục F. N. Kerlinger (1951) nhận định giáo dục Nhật Bản sau thời Minh Trị, rõ nhất là từ giữa thế kỷ 20 cho đến tận nay, vẫn vận hành theo triết lý “shữshin”. Hiểu nôm na, “shữshin” được gói gọn trong từ “đạo đức” - trung tâm của giáo dục kiến thức, đời sống, sinh hoạt, kỹ năng làm việc của người Nhật.

Nhà giáo Nguyễn Quốc Vương, ĐH Sư phạm Hà Nội, trong bản dịch Luật giáo dục cơ bản (được Quốc hội Nhật Bản ban hành lần đầu năm 1947 và sửa đổi năm 2006) đã chỉ ra triết lý “đạo đức làm nền tảng trong giáo dục” của người Nhật được mô tả: “Cần phải nhắm tới thực hiện xã hội ở đó từng quốc dân có thể mài giũa nhân cách bản thân...”. Tuy nhiên, triết lý giáo dục “đạo đức” không còn là đào tạo người trung quân ái quốc.

Chuyên gia giáo dục Bassey Ubong còn cắt nghĩa “đạo đức” trong triết lý giáo dục người Nhật ngày nay chính là tính kỷ luật trong đời sống, sinh hoạt và làm việc. Bassey Ubong mô tả “Đạo đức còn có nghĩa là ý thức tuân thủ kỷ luật cao độ được phản ánh thông qua quan niệm xem giáo dục là một con đường dẫn đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ đó thanh niên tích cực học tập, tuân theo các chuẩn mực về tôn trọng mọi người xung quanh và tham gia đóng góp nhằm giảm thiểu tỉ lệ thất nghiệp, ai nấy đều tốt nghiệp và có việc làm”.

Người Nhật luôn tin tưởng rằng nếu giáo dục tính kỷ luật hiệu quả cho một thế hệ trẻ em hôm nay thì trong tương lai gần Nhật Bản sẽ nhận được một thế hệ nhân tài trưởng thành “kỷ luật thép”, có khả năng đóng góp to lớn cho tổ quốc. Các nguyên tắc kỷ luật: Quản lý thời gian; tuân thủ quy trình làm việc, nguyên tắc hợp tác và phối hợp, tự phê bình bản thân, dám chịu trách nhiệm, không đổ lỗi hoàn cảnh, văn hóa từ chức… được người Nhật hiểu và vận dụng thuần thục. Lý thuyết ngành kinh tế học đã chứng minh được rằng người Nhật đã đúng khi tích lũy tính kỷ luật cho từng thế hệ trẻ em. Qua nhiều thập niên, các thế hệ người trưởng thành cộng hưởng các giá trị kỷ luật, tạo thành một dân tộc làm việc khoa học, bài bản, hiệu quả tối đa.

Giáo dục tư duy “tự lập” để học tập suốt đời

Trên nền tảng triết lý giáo dục đạo đức, trẻ em Nhật còn được định hướng “đạo đức = tự lực cánh sinh”. Mỗi bản thân cố gắng học tập, làm việc tự chủ, không ỷ lại để có thể hòa nhập môi trường hội nhập đầy biến động các giá trị văn hóa và tri thức. Việc tự lập còn giúp học sinh có cuộc đời phong phú, có thể học tập ở mọi nơi, mọi lúc trong suốt cuộc đời mình và có thể vận dụng thích hợp những thành quả đó.

Để thực hiện triết lý này, nội dung và phương pháp giáo dục môn nghiên cứu xã hội được nhấn mạnh “học sinh làm trung tâm” và nhấn mạnh giá trị trải nghiệm từ các bài học hơn là nhồi nhét kiến thức. Nhật thay đổi hệ thống sách quốc định thành kiểm định - nhiều loại sách với các chuẩn đầu ra khác nhau để tăng cường khả năng phản biện cho học sinh, kích thích việc tìm tòi, phát huy sức sáng tạo.

Chưa dừng tại đó, trong các lớp học, học sinh phổ thông sớm được giáo viên dạy rằng “không có chân lý đúng vĩnh viễn”. Thế nên các bài học thầy cô đưa ra đều được “trích nguồn”, cổ vũ các em tìm thêm nguồn thông tin, góc nhìn, phát hiện vấn đề mới. Đó là một trong những lý do cốt yếu giúp người Nhật nằm trong tốp đầu các quốc gia có lượng bằng sáng chế “khủng” nhất thế giới với vô số thương hiệu tồn tại xuyên thế kỷ.

Thầy cô thường xuyên trao đổi, tư vấn cho bậc cha mẹ chủ động dạy cho con họ tính tự lập, ngay trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

Học gì từ triết lý giáo dục của người Nhật?

Thực tế mỗi quốc gia, trong đó có Nhật Bản, xây dựng và phát triển triết lý giáo dục dựa trên điều kiện nguồn lực và hoàn cảnh cụ thể của quốc gia. Điều quan trọng mà chúng ta có thể học từ triết lý của người Nhật chính là “học sinh làm trung tâm” của các hoạt động giàu tính trải nghiệm, chia sẻ, trách nhiệm. Việc giữ học sinh ngồi ù lì trong lớp sẽ tạo nên nền giáo dục nghèo nàn.                      

Giáo dục Mỹ: Giáo dục sống nhờ triết lý tự do


Triết lý giáo dục “tự chủ - tự do” tạo ra sự đa dạng về nhân tài, từ đó sinh ra sự phồn thịnh về thành quả cho nền kinh tế - xã hội Mỹ.

Tổng thống thứ hai của Mỹ John Adams từng nói: “Trẻ em nên được giáo dục dựa theo nguyên tắc tự do”. Suốt hơn 200 năm phát triển, nền giáo dục Mỹ vẫn trung thành với triết lý đó. Những công dân Mỹ tương lai được định hình bởi giá trị cốt lõi là tự do đi kèm với tự chủ. Cũng chính vì thế mà giá trị của “giấc mơ Mỹ” đã và đang len lỏi đến tất cả “ngóc ngách” của thế giới.

“Tự do” gắn liền “tôn trọng” và “trách nhiệm”

Nền giáo dục Mỹ hướng đến việc đào tạo ra những con người tự do, có thể dễ dàng thích nghi với cuộc sống đang biến động từng ngày. Người Mỹ hiểu rằng việc “bó buộc” trẻ em trong những quyển sách “quốc định” chỉ khiến sức tưởng tượng và sự sáng tạo của trẻ bị giới hạn. Điều đó đồng nghĩa với việc hạn chế khả năng sống của trẻ trong một thế giới hội nhập, đa dạng. Đó là lý do tại sao chương trình học tại các trường ở Mỹ rất giàu tính trải nghiệm, kích thích sự phát hiện, khuyến khích trẻ đưa ra tất cả suy nghĩ “xung quanh một câu hỏi”.

Tuy nhiên, triết lý “tự do” không có nghĩa là thiếu sự tôn trọng hay thiếu bình đẳng. Cái tự do mà người Mỹ muốn có là tự do về tư tưởng - quyền được giữ quan điểm của bản thân. Nhưng phải tôn trọng ý kiến (hay sự tự do tư tưởng) của người khác. Chẳng hạn, nếu một sinh viên ngành sinh học không tin theo thuyết tiến hóa, anh ta được quyền giữ nguyên lập trường. Nhưng sinh viên này vẫn phải tìm hiểu học thuyết đó khi bước vào lớp như các bạn khác.

Các thầy cô thường nhắc nhở trẻ con rằng: “Bất kỳ ai trong các em cũng có quyền loại bỏ, thậm chí là tẩy chay một nhãn hiệu mà họ không thấy thích. Nhưng không được quyền ép người khác đứng về phe mình, vì như thế là thiếu tôn trọng quyền của tự do của người khác - điều mà người Mỹ tối kỵ”. Điều này còn được minh chứng khi nhìn vào sự bình đẳng giữa thầy-trò ở Mỹ. Giáo viên chấm điểm học trò, còn học trò lại có quyền nhận xét về chất lượng giáo viên. Cả hai bên đều không thể cư xử võ đoán với nhau. Do đó học trò được tự do thắc mắc, ý kiến hoặc thậm chí nghi ngờ giáo viên. Trong cuộc tranh luận, việc thẳng thắn nhận “tôi sai” hoặc “tôi không biết” là hết sức bình thường. Đó là điều kiện tiên quyết để có thể phát hiện ra những quan điểm mới mẻ hay những thiên tài mới. Thế nên người Mỹ quan niệm “không có câu hỏi ngu ngốc, chỉ có câu trả lời ngu ngốc mà thôi”.

“Tự do” càng không có nghĩa là cứ việc gì mình không thích thì né tránh mà trái lại phải sống một cách có trách nhiệm. Trước hết là sống trách nhiệm với bản thân. Ví dụ, người Mỹ có thể theo học hầu như bất kỳ trường nào trong vô số đại học, tuy nhiên lựa chọn đó không được tùy tiện hay nhất thời mà phải được cân nhắc kỹ càng về lợi ích của bản thân: sở thích, nguyện vọng, ước mơ.

Bên cạnh đó là sự trách nhiệm với cộng đồng. Thầy cô giáo dạy các học sinh của mình rằng công dân Mỹ dù có đồng tình với những chủ trương, chính sách của chính phủ hay không thì cũng phải đi bỏ phiếu để thể hiện, đóng góp tiếng nói của mình. Những công dân của “chú Sam” luôn tin tưởng, kỳ vọng và nỗ lực thực hiện trách nhiệm đào tạo tất cả trẻ em Mỹ bằng cách dạy cho chúng hiểu rằng mỗi công dân đều có khả năng, trách nhiệm đóng góp ý tưởng đột phá cho đất nước.

Với quan niệm đó, nền giáo dục Mỹ được thiết kế sao cho cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ cá nhân. Một mặt học sinh có nhiều lựa chọn để đi theo con đường học tập riêng. Ở trong lớp, các em được khuyến khích nói lên lập trường của mình. Mặt khác, mỗi người học đều phải nghiêm túc chịu trách nhiệm với những gì mình đã chọn.

Nhà trường tự chủ - học trò nhiều lựa chọn

Chuyên gia giáo dục Antonella Corsi-Bunker thuộc Trường ĐH Minnesota (Mỹ) chỉ ra rằng từ xưa, những nhà lập quốc Hoa Kỳ đã có ý thức dùng nhiều phương pháp khác nhau để bảo đảm tự do trong giáo dục. Yếu tố quan trọng hàng đầu là sự tự do, tự chủ của các trường học. Hiến pháp Mỹ tách bạch nhà nước, nhà thờ với nhà trường. Như vậy không một tư tưởng nào được quyền gạt đi ý kiến trái chiều theo kiểu “bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật”.

Thế nên tính tự chủ của các trường đại học ở Mỹ rất cao. Điều này dễ thấy khi Mỹ không có hệ thống trường quốc gia. Hiến pháp giao trách nhiệm giáo dục cho chính quyền từng bang và địa phương thay vì cho chính phủ liên bang. Mỗi bang có sở giáo dục riêng quản lý các trường trong địa phận. Tuy nhiên, đây chưa phải là cơ quan “chỉ định” quyền lực, quyết định hoạt động của các trường. Chính quyền bang chỉ có quyền ban bố những tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả của trường; khảo sát số lượng và trình độ giảng viên, hệ thống hạ tầng, quy mô trường học… Từ đó quy định trường có thể đào tạo tối đa bao nhiêu học viên để đảm bảo chất lượng tối thiểu, quyền lợi tối thiểu cho người học.



Trong khi đó, các đơn vị hành chính thấp hơn, bao gồm các cộng đồng địa phương - thường là thành phố hoặc thị trấn - mới là cơ quan có quyền bổ nhiệm các ban giám hiệu cho trường công lập. Ban giám hiệu này sẽ quyết định chương trình tuyển chọn đầu vào, phương pháp đào tạo giảng dạy, tổ chức hoạt động rèn luyện… sao cho phù hợp với nhu cầu của địa phương. Điều này đồng nghĩa trường công có sự độc lập đáng kể đối với các cấp quản lý trên cao. Các trường dân lập tư thục còn có quyền tự chủ cao hơn trường công lập.

Cấu trúc trên dẫn đến việc các loại hình đào tạo mở Mỹ rất đa dạng. Đơn cử như giáo dục sau bậc phổ thông, nước Mỹ có hơn 3.500 trường bao gồm các đại học, cao đẳng, cao đẳng cộng đồng, viện nghiên cứu, còn có cả loại hình đào tạo từ xa. Mỗi trường có thế mạnh và yêu cầu rất khác nhau, tạo ra sự đa dạng về mặt chọn lựa: Ai muốn theo học đều sẽ có cơ hội phù hợp với mình.

Người Mỹ dạy trẻ cách “tự đưa ra chọn lựa” ra sao?

Người Mỹ rất chú trọng việc rèn luyện tư duy độc lập cho trẻ nhỏ. Khi mới đi học, trẻ thường nhìn nhận thế giới một cách phiến diện, chỉ có đen-trắng, đúng-sai.

Nhiệm vụ đầu tiên của người thầy là giúp học sinh mở rộng tầm mắt để thấy được một thế giới đa chiều - một câu hỏi có nhiều đáp án, một hiện tượng có nhiều cách lý giải hay một bức ảnh sẽ có nhiều cái tên ở những góc cạnh khác nhau.

Đến lúc này trẻ có xu hướng cho rằng “mọi thứ đều đúng” hoặc ngược lại là “không có gì đúng cả”. Điều giáo viên cần làm là dạy trẻ cách quan sát, nhận xét, đánh giá sự việc theo từng góc nhìn cụ thể, từng mối quan hệ cụ thể (giả thuyết - kết luận; nguyên nhân - hệ quả…) để trẻ hình thành sự nhạy cảm trong việc nhìn nhận sự việc, hiện tượng.

Sau đó, quan trọng và cốt lõi, người Mỹ giúp con em họ hiểu rằng “góc nhìn nào cũng phải có lý lẽ riêng” - thể hiện tư duy độc lập, đầy tính phản biện. “Chỉ tay vào một con chó, học sinh có quyền kết luận đó là con mèo nếu em ấy chứng minh được điều ấy dưới góc nhìn cụ thể và bằng lý lẽ thuyết phục”. đây là giai thoại vui mà nhiều người thường dùng để mô tả cách dạy trẻ tại Mỹ.

Kết thúc các giai đoạn trên, học sinh Mỹ hiểu rằng không quan trọng ở việc “chọn cái gì” mà điều cốt yếu là “giải thích/chứng minh đó là lựa chọn tối ưu”. Đó là cách mà giáo dục Mỹ đào tạo ra các sản phẩm có thế giới quan cân bằng giữa chủ quan và khách quan, vừa biết tôn trọng ý kiến người khác vừa biết cách bảo vệ quan điểm của mình.

Đất nước của các trường học “nhất thế giới”

Theo đánh giá của tạp chí Forbes, Harvard, MIT và Stanford chiếm ba vị trí đầu bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới năm 2014 và trong nhiều năm qua. Bất chấp sự tuột hạng của các trường công do vấn đề tài chính, khủng hoảng kinh tế, Mỹ vẫn chiếm 46 chỗ trong nhóm 100 trường hàng đầu thế giới về đào tạo nguồn nhân lực. Ký giả Susan Adam nhận xét thứ hạng cao sẽ giúp một trường đại học hấp dẫn hơn. Số hồ sơ dự tuyển sẽ nhiều hơn, kéo theo chuẩn đầu vào cao lên sẽ góp phần giúp trường đó tiếp tục thành công của mình.

Bên cạnh đó, sức hút du học sinh nước ngoài của nền giáo dục Mỹ rất khủng khiếp. Tháng 11-2013, con số sinh viên quốc tế theo học tại Mỹ lên đến gần 820.000, đạt mức cao kỷ lục. Làn sóng du học sinh mang theo một nguồn lợi nhuận khổng lồ ước tính 24 tỉ USD.